Với thâm niên hoạt động nghệ thuật hơn 60 năm, nghệ sĩ Bạch Tuyết được biết đến qua những tác phẩm cải lương kinh điển như Dương Vân Nga (vở Thái hậu Dương Vân Nga), cô Lựu (vở Đời cô Lựu), Kiều Nguyệt Nga (vở Lục Vân Tiên),… Không chỉ toả sáng trên sân khấu, thành tựu của nghệ sĩ Bạch Tuyết còn ghi dấu trong lĩnh vực nghệ thuật lẫn học thuật, được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Giới mộ điệu xem bà là “cải lương chi bảo” – bảo vật của nghệ thuật ca kịch cải lương Việt Nam. Năm 1995, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ thứ 21”, trở thành Tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam.
Đã gặt hái hầu hết những thành tựu cao quý nhất của một người nghệ sĩ, NSND Bạch Tuyết vẫn giữ niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật cải lương. Bà thường đi hát, thuyết giảng tại các trường đại học, thậm chí tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội để mang cải lương đến gần hơn với khán giả trẻ. Khó ai có thể tưởng tượng, một người nghệ sĩ ở độ tuổi U80 lại hoạt động năng suất trên hầu hết những nền tảng mạng xã hội nổi tiếng từ Facebook, YouTube đến TikTok. Tài khoản TikTok chính thức @cobabachtuyet đã nhận được hơn 150 nghìn lượt theo dõi, 1,5 triệu lượt thích với video “hot” nhất đạt kỷ lục 3,5 triệu lượt xem.
Sau một tháng phát hành Về Nghe Mẹ Ru cùng ca sĩ Hoàng Dũng, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền và rapper Casper, Advertising Vietnam đã có cuộc trò chuyện cùng với người nghệ sĩ tài hoa về trải nghiệm chinh phục đối tượng khán giả trẻ. Trong buổi phỏng vấn, bà đã có những chia sẻ sâu sắc về sự khác biệt giữa sáng tạo xưa/ nay, nhận định về vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy các loại hình nghệ thuật và bí quyết nuôi dưỡng đam mê trong công việc.
Là loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, cải lương hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền Nam đồng bằng sông Cửu Long. Thời kỳ vàng son của loại hình nghệ thuật này rơi vào giai đoạn trước giải phóng, từ năm 1955 đến năm 1975. Trong suốt 2 thập kỷ, sân khấu cải lương có nhiều bước đột phá, phát triển mạnh mẽ, tạo dấu ấn đặc biệt với sự hoạt động của hàng trăm đoàn hát tên tuổi và thế hệ nghệ sĩ tài hoa.
NSND Bạch Tuyết đánh giá, cải lương xưa là “ngọn cờ đầu” trong nghệ thuật và sáng tạo. Với vị thế và sức hút của loại hình sân khấu được khán giả ưa chuộng bậc nhất, mỗi đoàn hát cải lương (đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, đoàn Thủ Đô, đoàn Thống Nhất,…) bắt buộc phải xây dựng nhận diện thương hiệu riêng. Điều này được thể hiện qua nội dung vở diễn, trang trí sân khấu, phong cách ca diễn của nghệ sĩ.
“Cải lương thời bấy giờ cập nhật nhanh tình hình xã hội đương thời. Mọi vấn đề đều được phản ánh và tập hợp trên sân khấu. Đơn cử sau khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, sân khấu cải lương có ngay vở Tiếng Trống Mê Linh (khởi nghĩa Hai Bà Trưng) và Dương Vân Nga, nhắc nhở về tinh thần yêu nước và lịch sử hào hùng của dân tộc. Điều này đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải hoàn thành nhanh và tốt phần việc của mình từ khâu viết kịch bản, tập tuồng, sáng tác, phối khí âm nhạc, trang trí sân khấu đến giới thiệu trên báo chí. Ngay cả bản thân nghệ sĩ cải lương cũng phải cố gắng tạo cho mình phong cách ca diễn riêng biệt.”
Được yêu mến nhờ đáp ứng nhu cầu của thời đại, khả năng dung hợp nhiều loại hình nghệ thuật và gần như không giới hạn trong việc thể hiện đề tài, các vở diễn thời bấy giờ luôn trong tình trạng “cháy vé”. Khán giả phải đặt trước nhiều tháng để có thể thưởng thức trực tiếp phần trình diễn trên sân khấu của nghệ sĩ. Trở lại thời điểm hiện tại, cải lương dường như kém sức khi cạnh tranh cùng các dòng nhạc thị trường nội địa lẫn quốc tế. NSND Bạch Tuyết nhận định, cải lương ngày nay thiếu đi tính sáng tạo, đổi mới và cập nhật vốn có cũng như mất dần những nhân tố tài năng.
“Vở diễn Dương Vân Nga tại nhà hát Trần Hữu Trang xưa đã được hòa âm bởi dàn nhạc công hơn 20 người, không thua kém gì các nhà hát ở nước ngoài. Sân khấu dân tộc thời nay không có điều kiện như trước đây, vắng bóng những vở diễn, đoàn văn công tập hợp các ca/ nghệ sĩ. Mỗi cá nhân buộc phải tự hoạt động thay vì hợp tác để tạo nên các sản phẩm giá trị, trong khi mỗi người chỉ làm tốt được một chuyện mà thôi! Ngoài ra, cải lương ngày nay cũng chẳng có gì mới lạ, thú vị để thu hút khán giả. Loại hình nghệ thuật vốn đặc trưng bởi sự đổi mới lại thiếu đi tiếng nói của thời đại, thiếu sự đồng cảm với khán giả đại chúng trong khi đây lại là yếu tố quyết định sự thành công của các tác phẩm nghệ thuật.”
Dù không tỏa sáng rực rỡ như thời kỳ hoàng kim, cải lương vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng văn hoá và nghệ thuật dân tộc. Điển hình là sự xuất hiện của nhiều chương trình như Trăm năm ánh Việt (THVL1) hay Trăm năm nguồn cội nhằm nuôi dưỡng lớp khán giả trẻ và đào tạo những tài năng mới cho nghệ thuật cải lương Việt Nam. Những “cây đa cây đề” trong lĩnh vực này như NSND Ngọc Giàu, soạn giả Viễn Châu, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Diệu Hiền,… vẫn dành trọn niềm đam mê và cảm xúc cho nghệ thuật cải lương. Trên mạng xã hội, các vở diễn xưa được đăng tải lại, thu hút những phản hồi tích cực từ người dùng. Đơn cử, kênh YouTube Cải Lương Việt Nam đã thu hút hơn 1,63 triệu lượt đăng ký, tài khoản TikTok @cailuongdatviet100 cũng nhận về hơn 120 nghìn người theo dõi.
Về phần mình, NSND Bạch Tuyết vẫn không ngừng sáng tạo để mang cải lương đến gần hơn với người trẻ. Trong 4 năm trở lại đây, bà cùng đội ngũ đã thực hiện nhiều dự án lan tỏa nét đẹp của văn hoá cải lương, nghệ thuật sân khấu và tri ân những thế hệ khán giả đã gắn bó với loại hình này. Bắt đầu bằng chuỗi đêm nhạc trực tiếp “Gửi người tri kỷ” (trình diễn lại các trích đoạn kinh điển) vào năm 2021, NSND Bạch Tuyết “lấn sân” nền tảng TikTok với dự án “Tinh hoa cải lương” trong tháng 2 năm nay. Với mục tiêu tiếp cận nhóm khán giả thế hệ Z, NSND Bạch Tuyết sẽ song ca và giải đáp thắc mắc cho các khách mời tham gia chương trình.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ về nét đẹp văn hoá – nghệ thuật cải lương với sinh viên FPT
Lý giải cho sự hiện diện của mình trên các nền tảng mạng xã hội, trước là YouTube, sau đến Facebook, TikTok, NSND Bạch Tuyết chia sẻ: “Nếu muốn tiến thân và phát triển trong thế giới không ngừng đổi mới, không thể không dùng đến công nghệ. Công nghệ giúp nhà sáng tạo đi một con đường nhanh, ngắn hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, môi trường Internet cũng hội tụ đầy đủ các phong cách nghệ thuật cải lương, giúp người trẻ dễ dàng trong việc học hỏi và tìm tòi.”
Công nghệ hiện đại và nghệ thuật cải lương xưa – hai phạm trù tưởng chừng như không thể giao nhau nay lại cộng hưởng để cùng lan tỏa tạo ra giá trị. NSND Bạch Tuyết đánh giá, môi trường Internet rất gần với đời sống, hoàn toàn phù hợp với nghệ thuật cải lương. Giống như lời ca cải lương phản ánh đầy đủ các tầng lớp từ vua, quan, hầu, khanh, tướng đến ăn mày, ăn cướp thì mạng xã hội cũng hội tụ hầu hết những khía cạnh, phong cách ngôn ngữ trong đời sống thường nhật.
Sức sáng tạo không giới hạn của người nghệ sĩ U80 còn thể hiện rõ nét qua dự án “Cover cải lương”. NSND Bạch Tuyết cùng đội ngũ của mình đã làm mới hàng loạt sản phẩm âm nhạc nổi bật trong giới trẻ như Ông Bà Anh (Lê Thiện Hiếu), Lạc Trôi (Sơn Tùng M-TP), Em Gái Mưa (Hương Tràm), Lạc (Rhymastic), Mang Tiền Về Cho Mẹ (Đen Vâu). Những bản hit với chủ đề đa dạng từ tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình đến xã hội được khoác “chiếc áo mới” là giai điệu chân thành và thiết tha của lời ca vọng cổ.
Mang Tiền Về Cho Mẹ phiên bản vọng cổ vẫn giữ trọn vẹn những ý nghĩa được truyền tải qua bài hát
“Bản thân tôi không có lý do gì để từ chối những tác phẩm âm nhạc của thế hệ trẻ. Lắng nghe họ để biết họ đang sống như thế nào? Họ suy nghĩ về thời cuộc ra sao? Và tôi muốn xem bản thân có thể làm gì để giúp đỡ, nâng bước họ? Trong khi giúp được họ, tôi cũng học được nhiều điều từ cuộc sống, giúp tôi làm cho nghệ thuật cải lương mới mẻ hơn, khỏe khoắn hơn để đáp ứng được nhu cầu thời đại 4.0” – NSND Bạch Tuyết đúc kết sau dự án “Cover cải lương”.
Cật lực chuẩn bị cho nhiều dự án sáng tạo truyền bá nghệ thuật cải lương, bước ngoặt thật sự đến với NSND Bạch Tuyết và ekip khi ca khúc Về Nghe Mẹ Ru ra mắt ngày 06/04. Bài hát là sự kết hợp giữa các thể loại âm nhạc đang thịnh hành như R&B, Rap với loại hình cải lương và lần lượt được thể hiện qua chất giọng của các nghệ sĩ trẻ như Hứa Kim Tuyền, 14 Casper, Hoàng Dũng.
MV ra mắt ngày 06/04, nhanh chóng tiến thẳng đến vị trí Top 1 Trending
Trong MV, ca sĩ Hoàng Dũng là đứa con xa quê với nhiều khát vọng, mong muốn chạm tới thành công để khiến mẹ tự hào. Để rồi giữa bộn bề cuộc sống, nhờ lời ru của mẹ mà nương tựa, đứng dậy và cố gắng… “Thèm một lần được làm Peter Pan chẳng ngại ngần vì không cần phải lớn”, thông điệp thực tế và cách truyền tải mới mẻ của sản phẩm đã nhanh chóng chạm đến trái tim người nghe. Sản phẩm tiến thẳng đến vị trí Top 1 Trending YouTube Hạng Mục Âm Nhạc sau vài giờ ra mắt, trở thành ca khúc cải lương duy nhất lọt top trending YouTube tính đến hiện tại. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Về Nghe Mẹ Ru còn được thể hiện trên nền tảng TikTok khi chạm mốc 2.000 video song ca cùng Cô Ba Bạch Tuyết. Bài hát cũng được chọn làm nhạc nền cho trend khoe người thân trong gia đình với 206.000 video đăng tải.
Chuỗi video song ca (duet) nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ khán giả trẻ
– Sự đa dạng hoá, kết hợp và dung nạp là tiến trình phát triển của bất kỳ hình thức nghệ thuật nào: Rap x Opera (Tiền nhiều để làm gì – G.Ducky x Lưu Hiền Trinh); Hip hop x R&B x Nhạc cụ dân tộc (Chân ái – Orange x Khói x Châu Đăng Khoa). Theo bà, vì sao vẫn vắng bóng các sản phẩm hợp tác giữa cải lương và các thể loại âm nhạc hiện đại khác?
Muốn làm được điều ấy phải có trình độ, nếu chỉ có tấm lòng thì cũng không đủ sức. Bạn có thể thấy những thể loại âm nhạc thịnh hành ngày nay tương tự nhau, việc kết hợp là khá dễ dàng. Cải lương lại khác xa một trời một vực vì cách sử dụng nhạc cụ, góc độ tiếp cận vấn đề và nghệ thuật trình diễn của người nghệ sĩ. Sự kết hợp này đòi hỏi cả cái tâm với nghệ thuật cải lương lẫn quá trình tìm hiểu và chọn lọc thông tin, nguyên liệu một cách kỹ càng.
NSND Bạch Tuyết đánh giá việc kết hợp cải lương với chất liệu âm nhạc hiện đại không phải là điều dễ dàng
Mỗi một nhạc sĩ lại chỉ có thể chuyên sâu về một số dòng nhạc nhất định. Ví như nhạc sĩ tân có kiến thức về tân nhạc. Và để cập nhật lượng kiến thức đó, họ phải không ngừng tìm tòi về những xu hướng âm nhạc mới hay nói rộng ra là tất cả những thông tin xoay quanh nhạc tân thời, làm sao có thời gian để chuyên sâu về cổ nhạc! Ngược lại người nhạc sĩ cổ cũng vậy, mỗi người chỉ có thể làm tốt một việc mà thôi!
Nếu may mắn, hai người nhạc sĩ theo đuổi hai dòng nhạc khác biệt sẽ gặp nhau. Và khi họ có “cùng tần số”, có tư duy rộng mở để học hỏi về thế giới quan của người còn lại, họ sẽ tạo nên một sản phẩm âm nhạc đột phá.
– Nỗi trăn trở này liệu có phải là động lực để NSND Bạch Tuyết cùng ekip quyết tâm thực hiện dự án Về Nghe Mẹ Ru?
Không đặt mình trong tần số của người nhạc sĩ cổ hay tân, tôi xem mình là một nghệ sĩ Việt Nam đã sống và cống hiến cho thị trường nghệ thuật nước nhà trong quá khứ. Tôi không rõ mình có may mắn tham dự tương lai hay không nên muốn được làm nghệ thuật hết sức mình trong thời điểm hiện tại. Đây là động lực để tôi và ekip triển khai dự án cùng với các bạn trẻ thế hệ 9x. Để một lần nữa, nghệ thuật cải lương được xuất hiện trong một bài hát kết hợp đúng nghĩa các dòng chảy âm nhạc phong phú của Việt Nam hiện nay.
Sự kết hợp với nhạc sĩ Thanh Hải, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, ca sĩ Hoàng Dũng lần này giống như một mối lương duyên vậy. Bài hát vẫn mang trong mình vẹn nguyên cảm xúc như những nhạc phẩm xưa, là sự giao thoa về tư duy và khát vọng của hai người nhạc sĩ tân và cổ.
Về Nghe Mẹ Ru được sáng tác bởi hit maker Hứa Kim Tuyền, dưới sự cố vấn của NSND Thanh Hải
– Sẽ có những thách thức nào trong quá trình làm việc với những nghệ sĩ trẻ?
Tôi không gặp khó khăn gì, ngược lại còn học hỏi được nhiều thứ từ các bạn trẻ. Các bạn trẻ ngày nay mang tinh thần của thời đại với một tư duy rộng mở và bộ óc chứa khối lượng thông tin khổng lồ.
Hứa Kim Tuyền là một nhạc sĩ vừa thông minh, vừa có tấm lòng. Bạn cất công tìm hiểu về cải lương để truyền tải đúng tinh thần, bản chất của loại hình nghệ thuật này đến khán giả trẻ.
Hoàng Dũng chưa tiếp xúc với cải lương bao giờ. Ban đầu, bạn tự ti vì chất giọng miền Bắc của mình không phù hợp với bộ môn nghệ thuật mang đậm văn hoá của người miền Nam. Thế nhưng sau quá trình thử sức bản thân, phần thể hiện của Dũng trong bài hát là một trải nghiệm đầy thú vị và đáng được tuyên dương về tinh thần của một nghệ sĩ cầu thị và luôn muốn được cống hiến.
NSND Bạch Tuyết tận tình hướng dẫn “chàng thơ” đất Bắc Hoàng Dũng cách xử lý từng lời ca, điệu lý
– Bắt đầu với những video nghìn view, đến nay NSND Bạch Tuyết đã sở hữu sản phẩm đầu tay đạt triệu view. Với “bước đệm” thành công của Về Nghe Mẹ Ru, bà có kỳ vọng gì cho những sản phẩm sắp tới?
Một vị đạo diễn nổi tiếng thế giới từng nói: “Mỗi sản phẩm ra mắt công chúng có một số phận riêng, đừng khờ dại mà đi theo”. Bởi khi quá kỳ vọng vào sản phẩm, nếu kết quả là thành công thì mình sẽ ỉ lại, nếu kết quả là thất bại thì mình sẽ tủi thân. Mà cả hai kết cục đó đều không giúp ích cho sự sáng tạo một cách hồn nhiên.
Đối với tôi, sáng tạo là hạnh phúc. Vì vậy tôi luôn cống hiến hết mình ở các dự án thay vì dự đoán thành công của sản phẩm đó. Sản phẩm khi vừa ra mắt công chúng là đã cũ và hoàn thành sứ mệnh của mình rồi. Bạn làm nghệ thuật, sáng tạo thì bạn phải nghĩ ngay tới một cái mới.
– Với hơn 60 năm theo đuổi nghệ thuật cải lương, đến nay, bà vẫn hoạt động sôi nổi để mang loại hình này đến gần hơn với khán giả trẻ. Đâu là động lực giúp NSND Bạch Tuyết giữ lửa trong công việc và sáng tạo?
Phải nói là nghề chọn mình thay vì mình chọn nghề. Giả sử lần đầu bạn đứng lên hát mà không được tưởng thưởng thì bạn có can đảm để hát tiếp không? Vì vậy mà khi đã theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi luôn quan niệm mình phải làm thế nào để trả ơn cho những người đầu tiên ủng hộ mình, cống hiến thế nào để không làm họ thất vọng.
Nhất là ở độ tuổi của tôi, đã phục vụ nhiều thế hệ khán giả nghe nhạc từ ông bà, cha mẹ đến các bạn trẻ ngày nay. Tôi nghĩ mình có trách nhiệm với khán giả của mình và cả con cái của họ. Để khi các bạn trẻ biết cha mẹ mình thần tượng Bạch Tuyết, các bạn tôn trọng vì họ không thần tượng sai người!
Cảm ơn NSND Bạch Tuyết đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ đến độc giả Advertising Vietnam. Chúc bà thành công với dự định trong tương lai!
Thực hiện Advertising Vietnam
Content: Lý Tú Nhã
Thiết kế: Đạt Đặng